content_copy

Người bệnh tiểu đường mắc Covid-19 dễ trở nặng

(VMDC) – Người bệnh tiểu đường nếu mắc Covid-19 có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần người không bị tiểu đường. Bác sĩ Trần Minh Triết, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, hiện có hai luồng ý kiến về nguy cơ mắc Covid-19 đối với bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường (tiểu đường).

Trong đó, nhiều nghiên cứu ghi nhận khả năng mắc Covid-19 ở người bệnh đái tháo đường và không bị đái tháo đường là tương đương nhau. Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu cho rằng, người bệnh đái tháo đường có khuynh hướng mắc Covid-19 cao hơn so với người không bị đái tháo đường.

“Người bệnh đái tháo đường khi bị mắc Covid-19 thì sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với người không bị đái tháo đường”, bác sĩ Triết khẳng định.

Bác sĩ lý giải nguyên nhân là do sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân đái tháo đường vốn mong manh. Nếu người bệnh không được kiểm soát đường huyết tốt, có thể sẽ xuất hiện nhiều biến chứng hơn. Do đó, người mắc Covid-19 kèm bệnh nền đái tháo đường có tiên lượng nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với người không bị đái tháo đường.

Trong số 61 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã tử vong, có 18 bệnh nhân mắc bệnh nền là đái tháo đường, gồm cả type một và type hai, chiếm khoảng 30%.

“Bệnh nhân 2983”, nữ, 65 tuổi, có bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp từng diễn biến nguy kịch, phổi trắng xoá chỉ còn 10-20% khả năng hoạt động, phải chuyển cấp cứu từ An Giang đến TP HCM điều trị. Trong ảnh, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Hiện bà đã được cai ECMO, dần hồi phục sức khoẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngoài ra, dịch bệnh còn gây ảnh hưởng lớn đến những bệnh nhân đái tháo đường nói riêng và người mắc các bệnh mạn tính nói chung. Bác sĩ Triết cho rằng, việc giãn cách xã hội trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là biện pháp cần thiết.

Ở một góc độ khác, việc giãn cách dài ngày có thể khiến người bệnh không thể đi khám bệnh, dẫn đến bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị. Thậm chí, có trường hợp đã xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng nhưng người bệnh không dám đến cơ sở y tế thăm khám vì “sợ lây nhiễm”. Giãn cách xã hội cũng khiến chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục, thể thao của người bệnh ít nhiều thay đổi.

Đây là các yếu tố góp phần làm đường huyết tăng cao, khó kiểm soát và tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Thực tế, gần đây đã có một số trường hợp người bệnh tự ngưng thuốc quá lâu, dẫn đến hôn mê, tăng đường huyết phải nhập viện cấp cứu. Hoặc có bệnh nhân bị biến chứng bàn chân đái tháo đường nhưng cố gắng chịu đựng, đến khi vào bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng, đe dọa tính mạng, bác sĩ chia sẻ.

Để phòng tránh và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của Covid-19, bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, bệnh nhân phải duy trì sử dụng thuốc điều độ, không được tự ý ngưng thuốc, đảm báo chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý như khi không có dịch. Đặc biệt, trong tình huống không thể đến khám định kỳ, hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng… bệnh nhân phải báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án xử trí kịp thời, hoặc đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh, người bệnh đái tháo đường thuộc nhóm được khuyến cáo phải tiêm vaccine Covid-19. Tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nếu bị nhiễm thì sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn, hay tử vong cho người bệnh đái tháo đường.

Bài viết liên quan