content_copy

Ăn gì/kiêng gì để phòng, chống ung thư hiệu quả?

(VMDC) – Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng nguy cơ ung thư. Do đó, chọn lựa thực phẩm nào, ăn bao nhiêu, chế biến như thế nào là những điều cơ bản cần phải lưu ý.

Chế độ ăn uống phòng ung thư hiệu quả

Dưới đây là 6 nguyên tắc cơ bản trong dinh dưỡng phòng ung thư được cập nhật từ các báo cáo khoa học và các viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội:

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì cân nặng lý tưởng

Duy trì cân nặng lý tưởng rất quan trọng, bởi vì béo phì là nguyên nhân thứ hai có nguy cơ cao gây ung thư sau hút thuốc lá. Việc thừa cân làm tăng nguy cơ của 13 loại ung thư, do đó một chế độ ăn uống lành mạnh có thể gián tiếp giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư bằng cách kiểm soát trọng lượng và phòng ngừa bệnh béo phì.

Trái cây và rau củ có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư

Các nghiên cứu cho thấy ăn trái cây và rau củ có thể làm giảm nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thanh quản và phổi.

Trái cây và rau quả có nhiều loại chất khác nhau có khả năng làm giảm khả năng phát triển của ung thư. Các chất dinh dưỡng này bao gồm:

– Các nhóm chất có hoạt tính kháng ung thư carotenoid, folate, vitamin C, vitamin E, selen, flavonoid và các chất phytochemical khác (các chất tìm thấy trong cây).

– Chất xơ: Việc ăn các thực phẩm giàu chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư ruột là điều đã được khoa học chứng minh rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy ăn 10g chất xơ mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột khoảng 10%.

– Chất chống tăng sinh mạch máu mới: Đây là tác động kép, vì cả tế bào ung thư lẫn mô mỡ đều cần sinh mạch máu mới đến nuôi chúng. Do đó việc chống tăng sinh mạch máu mới vừa trực tiếp làm giảm nguy cơ ung thư, vừa gián tiếp giảm nguy cơ ung thư thông qua việc làm giảm sự phát triển của mô mỡ, tránh béo phì.

Giảm chiên, xào, nướng, áp chảo

Những món ăn được chế biến bằng các phương pháp sốc nhiệt như chiên, xào, nướng, áp chảo, từ lâu đã được chứng minh là tăng khả năng bị ung thư cho người tiêu thụ. Có rất nhiều chất làm tăng nguy cơ ung thư được sinh ra do thực phẩm bị sốc nhiệt, nhất là các nhóm aldehyde sinh ra từ sự phân hủy chất béo (dầu mỡ), và các nhóm N-nitroso từ đạm bị sốc nhiệt. Thời gian sốc nhiệt càng lâu, nhiệt độ sốc nhiệt càng cao càng sinh ra nhiều các chất độc hại này.

Nguyên tắc dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư

Theo các chuyên gia, cũng như người khỏe mạnh, bệnh nhân ung thư nên lưu ý bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Sử dụng thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kiêng khem một cách cực đoan khi mắc ung thư vì sợ sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn là sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư mắc phải. Cần nhớ rằng, bên cạnh các tế bào ung thư, một phần lớn cơ thể người bệnh vẫn là tế bào khỏe mạnh. Chính vì vậy điều cần ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư phải là cung cấp đủ dưỡng chất cho các tế bào này, từ đó tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại bệnh tật.

Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư, theo khuyến nghị của chuyên gia:

– Duy trì cân nặng lý tưởng: Có kế hoạch chặt chẽ với lượng dinh dưỡng hấp thu mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.

– Người bệnh cần được bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết như chất đạm, tinh bột, vitamin… trong bữa ăn hàng ngày.

– Một mô hình ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau và trái cây, một lượng vừa phải ngũ cốc và các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu nành, cùng các loại thịt như cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc sản phẩm từ sữa ít béo.

– Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 – 8 bữa/ngày là hợp lý, thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường. Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn.

– Không kiêng khem quá nhiều, vẫn ăn uống bình thường. Một số loại thực phẩm như xúc xích, đồ nướng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… thì cần hạn chế.

– Ngoài các loại thực phẩm, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12, C… và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

Bài viết liên quan